Tổng quan về hệ hô hấp ở cơ thể người

Hô hấp là gì ?
Sự hô hấp là một đặc trưng cơ bản của sinh vật. Ở động vật cao cấp như động vật có xương sống thì sự hô hấp là hai động tác hít vào và thở ra. Không khí từ bên ngoài vào phổi khi hít vào và ngược lại khi thở ra. Quá trình trao đổi khí giữa không khí và tế bào được thực hiện gián tiếp qua sự trao đổi khí và máu.
Hệ hô hấp ở người
Minh họa hệ hô hấp

Hệ thống dẫn khí:Khoang mũi, hầu, thanh quản, khí quản, phế quản.
Hệ thống trao đổi khí giữa máu và không khí : Là phổi chứa các phế nang là nơi trao đổi khí giữa máu và không khí.
Chức năng của hệ hô hấp: Chức năng của hệ hô hấp chủ yếu là trao đổi khí, hấp thụ oxi và thải khí cacbonic.

I. Khoang mũi
Cấu tạo của mũi được chia làm 3 phần: Mũi ngoài, hốc mũi và các xoang mũi.
1. Đặc điểm của hốc mũi: Mũi gồm hai hốc mũi, ngăn cách nhau bởi một vách đứng dọc ở giữa. Hốc mũi gồm 4 thành: trên, dưới, trong và ngoài.

Thành ngoài của hốc mũi có ba xương xoăn nhô ra như những mái hiên. Các xương xoăn mũi chia hốc mũi làm 3 ngách:
- Ngách mũi dưới nằm dưới xương xoăn mũi dưới.
- Ngách mũi giữa nằm dưới xương xoăn mũi dưới và giữa.
- Ngách mũi trên nằm giữa xương xoăn mũi giữa và trên.

Ba ngách này thông với nhau bởi ngách mũi chung nằm ở vách ngăn chung của mũi và thông với các xoang ở xung quanh mặt (xoang trán, xoang hàm trên, xoang bướm, xoang sàng) và lớp niêm mạc của những xoang này cũng liên tiếp với niêm mạc mũi.

Tác dụng của những ngách mũi là làm tăng sự tiếp xúc của không khí với các mao mạch dày đặc của niêm m
ạc mũi.
2. Cấu tạo của lớp niêm mạc mũi:
Niêm mạc hốc mũi được chia làm hai tầng:
* Tầng trên: Phía trên xương xoăn mũi giữa. Tầng này có nhiều tế bào khứu giác để phân biệt mùi vị.
* Tầng dưới: Niêm mạc tầng này gọi là tầng hô hấp, nó có đặc điểm
- Được lát bởi biểu mô rung hình trụ nhiều tầng .
- Có màu hồng vì có nhiểu mạch máu sưởi ấm không khí khi đi qua mũi
- Không khí còn được làm ẩm khi đi qua các ngách ,vì ngách dưới thông với ống lệ tỵ
- Khoang mũi còn có nhiều lông mũi và dịch nhầy làm sạch không khí.

II- HẦU.(xem: Hệ tiêu hoá)

III- THANH QUẢN.
  - Thanh quản vừa là một phần của đường hô hấp , vừa là cơ quan phát âm chính
  - Thanh quản được cấu tạo bởi các sụn, dây chằng và cơ.
  - Khung sụn của thanh quản khá phát triển, cơ có nhiệm vụ chuyển động khung sụn. Mặt trong khung sụn có niêm mạc che phủ.
  - Thanh quản nằm phía trước cổ, ngang các đốt sống cổ 4,5,6. ngay dưới xương móng.
 
1. Các sụn của thanh quản: có 9 sụn: 3 sụn lẻ và 3 đôi sụn:
a. Sụn giáp:
   - Gồm hai mảnh sụn hình tứ giác tiếp với nhau phía trước theo một góc 90độ, chỗ tiếp ráp có thể sờ thấy dưới da
- Bốn góc sụn có bốn sừng: hai sừng trên to tiếp với xương móng; hai sừng dưới nhỏ tiếp với sụn nhẫn.
 b. Sụn nhẫn: Có hình giống một cái nhẫn.
 - Phần dày của sụn hướng về sau gọi là mặt nhẫn
 - Phần hẹp (cung) hướng về phía trước
 - Ở bờ trên của bản sụn có hai diện khớp với hai sụn phễu
c. Sụn phễu: Tương tự hình tháp ba mặt, một đáy, một đỉnh
- Nền của sụn tiếp với diện khớp của bờ trên sụn nhẫn , ở đáy có hai mỏm nhô ra: một mỏm hướng ra trước gọi là mỏm thanh âm ; một mỏm hướng ra ngoài hơi ra sau gọi là mỏm cơ.
- Ở đỉnh sụn có sụn sừng đính vào
d. Sụn sừng: Ngồi trên đỉnh sụn phễu và có hình nón.
e. Sụn vừng: Nằm ở phía trong của dây chằng, căng từ sụn phễu tới sụn nắp thanh quản.
f. Sụn thanh thiệt( nắp thanh quản)
Có hình dáng giống một cái lá , phần trên rộng , phần dưới hẹp đính vào góc trong sụn giáp. Sụn có hai mặt: Mặt trước hướng về phía lưỡi , mặt sau hướng vào lòng thanh quản.

2. Cấu tạo bên trong của thanh quản:

- Mặt trong của thanh quản có lớp niêm mạc che phủ
- Dưới lớp niêm mạc có một lớp tổ chức chun chạy theo hướng dọc từ góc sụn giáp tới mỏm thanh âm của sụn phễu , tham gia cấu tạo nên dây thanh âm , gồm hai đôi dây : đôi dây thanh âm trên ( còn gọi là dây chằng tiền đình) và đôi dây thanh âm dưới (đôi này mới trực tiếp phát âm nên gọi là đôi dây thanh âm thật)
- Các dây thanh âm đều có niêm mạc che phủ tạo thành các nếp thanh âm:
  + Nếp trên là nếp tiền đình (nếp thanh thất) do niêm mạc phủ lên dây thanh âm trên
  + Nếp dưới là nếp thanh âm do niêm mạc phủ lên dây thanh âm dưới
- Hai nếp này chia thanh quản làm 3 khoang:
 + Khoang trên là khoang tiền đình, ở giữa hai nếp tiền đình, loe như miệng phễu , trước là sụn thanh thiệt, sau thông với hầu
 + Khoang thanh môn (buồng thanh quản): Nằm ở giữa nếp thanh âm và nếp tiền đình, giữ vai trò như một bộ máy cộng hưởng.
 + Khoang dưới là khoang dưới thanh môn: nằm ở phía dưới hai nếp thanh âm , thông với khí quản
- Giữa hai nếp tiền đình là khe tiền đình
- Giữa hai nếp thanh âm (phải và trái) có khe thanh môn. Khi không khí trong cơ thể đi qua khe thanh môn làm cho dây thanh âm chấn động từ đó phát ra âm thanh.

3. Các cơ thanh quản:

Là tổ chức cơ vân, gồm hai nhóm: nhóm ngoài và nhóm trong.
a. Nhóm ngoài:
  - Các cơ : ức-giáp; giáp-móng , có tác dụng nâng và hạ thanh quản
  - Cơ nhẫn giáp : Từ bờ trên cung sụn nhẫn tới bờ dưới mảnh bên sụn giáp có tác dụng làm nghiêng sụn giáp và kéo căng dây thanh âm

b. Nhóm trong:
- Cơ nhẫn phễu sau: Từ mặt sau sụn nhẫn tới mỏm cơ sụn phễu: làm mở thanh môn
- Cơ nhẫn phễu bên: Từ bờ cung trên sụn nhẫn tới mỏm cơ sụn phễu: làm khép thanh môn
- Cơ giáp -phễu: Từ sụn giáp đến sụn phễu: làm khép thanh môn
- Các cơ liên phễu ngang, liên phễu chéo làm khép thanh môn

IV- KHÍ QUẢN

* Vị trí:
- Khí quản nằm trước thực quản
- Đầu trên khí quản nối với sụn nhẫn bởi dây chằng ở đoạn đốt sống cổ 6,7
- Phía dưới ngang mức đốt ngực 4,5 .

* Cấu tạo:

 - Khí quản là một ống sụn dài từ 11-13cm , được cấu tạo bởi 16-20 vòng sụn trong, hình móng ngựa hở ở phía sau và được che kín bởi một màng tổ chức liên kết. Các sụn của khí quản được nối với nhau bởi một loại dây chằng vòng , tạo nên sự liên kết đàn hồi. Sụn khí quản có tácdụng chống đỡ duy trì đường hô hấp luôn trong trạng thái mở để quá trình hô hấp được tiến hành bình thường. Tổ chức liên kết phía sau khí quản là cơ trơn và các mô liên kết tạo thành
Vì khí quản nằm ở cả đoạn cổ và đoạn ngực nên người ta chia làm  hai đoạn : đoạn cổ và đoạn ngực.

- Mặt trong khí quản có niêm mạc che phủ. Lớp này có chứa các hạch tổ chức limphô riêng rẽ và được lợp bởi một lớp biểu mô rung có khả năng chuyển động từ trong ra ngoài.

 * Liên quan: 
- Ở trước các vòng sụn từ thứ 2- 4 có eo tuyến giáp.
- Rãnh giữa khí quản và thực quản là chỗ các dây thần kinh và mạch máu nằm
- Trong ổ ngực , khí quản nằm ở trong trung thất: phía trước là tuyến ức, động mạch chủ, tĩnh mạch cánh tay đầu trái, phía sau có thực quản đi cùng.

V- PHẾ QUẢN:
- Gồm phế quản gốc phải và phế quản gốc trái , được tách ra từ khí quản ở ngang mức đốt sống ngực 4, 5; Hai phế quản tạo với nhau một góc 70độ: phế quản gốc phải ngắn và to hơn phế quản gốc trái
- Phế quản gốc phải và trái gọi là phế quản cấp I đi đến vùng rốn phổi thì phân thành phế quản cấp II chui vào trong các thuỳ phổi. Sau đó phế quản cấp II lại tiếp tục phân chia thành các phế quản nhỏ hơn, đường kính giảm dần theo mức độ phân chia. Trải qua khoảng 23 lần phân chia theo cấp số nhân thì tạo thành phế quản nhỏ nhất có đường kính khoảng 1mm gọi là tiểu phế quản (hay phế quản tiểu thuỳ). Toàn bộ phế quản gốc và sự phân chia của nó gọi là cây phế quản
 - Cấu tạo của thành phế quản cũng giống như khí quản. Chúng gồm những nửa vòng sụn trong nhưng khác ở chỗ là các phế quản càng nhỏ thì phần sụn càng ít đi và khi thành các phế quản nhỏ nhất thì không còn vết tích của sụn nữa.
 - Mặt trong của các phế quản được phủ một lớp niêm mạc. Niêm mạc này cũng được lợp bởi  biểu mô rung nhiều tầng.

VI- PHỔI:

1- Vị trí: Gồm hai lá phổi phải và trái nằm hai bên trung thất

2- Cấu tạo đại thể của phổi: Phổi có hình nón cụt có 3 mặt, 3 bờ và một đỉnh.
Phổi phải và phổi trái không giống nhau về hình thể và kích thước: phổi phải ngắn và rộng hơn; phổi trái dài và hẹp hơn.
a. Các mặt của phổi:
    * Mặt ngoài (mặt sườn): Có các ấn sườn
    * Mặt trong (mặt trung thất): Có rốn phổi, phế quản, mạch máu, bạch huyết, thần kinh. Các phần này họp lại thành cuống phổi. Mặt trung thất có các vết lõm tương ứng với tim, gọi là hố tim (hố trái sâu hơn vì tim lệch sang trái)
    * Mặt hoành: Hướng về phía cơ hoành, có các vết lõm tương ứng với vòm hoành phải và trái.
b. Các bờ của phổi:
  * Bờ trước: Nằm ở phía trước, ngăn cách mặt sườn với mặt trung thất
  * Bờ sau: Chạy dọc theo cột sống ngăn cách mặt sườn với mặt trung thất ở phía sau
  * Bờ dưới: Nằm giữa một bên là mặt sườn với mặt hoành, và mặt hoành với mặt trung thất.
c. Các thuỳ của phổi: Trên mặt phổi có các rãnh ăn sâu chia phổi ra thành các thuỳ
+ Phổi trái có một rãnh(khe) chếch từ trên xuống dưới ,từ sau ra trước chia nó ra làm hai thuỳ: trên và dưới
+ Phổi phải cũng có một khe chạy giống như phổi trái và một khe chạy ngang từ giữa của khe này ,ra trước dọc bờ sụn sườn VI, chia phổi phải ra 3 thuỳ: trên, giữa và dưới
d. Đỉnh phổi: Là phần phổi thò lên lỗ trên của lồng ngực 3-4cm trên xương sườn I
3. Cấu tạo vi thể của phổi:

- Mỗi thuỳ phổi lại phân thành các tiểu thuỳ phổi, mỗi tiểu thuỳ là một đơn vị phổi, giữa các tiểu thuỳ đều có mạch máu , thần kinh, mạch bạch huyết
- Các tiểu thuỳ nằm sát mặt phổi có hình tháp, đỉnh hướng vào trong, nếu ở sâu thì có hình đa giác.
Đi vào trong tiểu thuỳ phổi là các tiểu phế quản, khi vào trong các tiểu thuỳ, các tiểu phế quản phân đôi 5-6 lần thành 12-18 nhánh nhỏ hơn gọi là tiểu phế quản tận cùng ( có đường kính 0,5mm). Thành của các tiểu phế quản tận cùng có các nang túi, ở trong mỗi nang túi các tiểu phế quản tận cùng phân ra thành các tiểu phế quản phế nang (hay tiểu phế quản hô hấp). Các tiểu phế quản phế nang lại phân thành các ống phế nang. Mỗi ống phế nang lại gồm hai túi phế nang. Thành của ống và túi phế nang rỗng có hình như tổ ong gọi là phế nang.
- Từ tiểu phế quản hô hấp đến phế nang đều có thể tiến hành trao đổi khí, đây được gọi là phần hô hấp.

Trong phần hô hấp thì phế nang là nơi trao đổi khí chủ yếu
- Đường kính của mỗi phế nang khoảng 0,2 mm
- Diện tích của mỗi phế nang khoảng 0,125 mm2
  Ở người có chừng 500- 700 triệu phế nang với tổng diện tích lên tới 72-100 m2.
* Cấu tạo của phế nang:
- Thành của phế nang là một màng rất mỏng có các sợi chun, làm cho phế nang có tính đàn hồi
 - Mặt trong có biểu mô một tầng lát kín.
 - Bao quanh và sát thành phế nang là một lưới mao mạch dầy và mau.

4. Sự trao đổi khí ở phế nang:
 -Giữa mao mạch và phế nang có một màng mỏng ngăn cách được gọi là màng hô hấp.Tại màng hô hấp sẽ xảy ra quá trình trao đổi khí O2 và CO2 giữa phế nang và máu
 - O2 của không khí thấm qua thành phế nang,màng hô hấp và thành mao mạch vào máu còn CO2 thì từ máu thấm qua thành mao mạch, màng hô hấp và thành phế nang vào phế nang
5. Màng phổi (phế mạc): Gồm hai lá:
 * Lá tạng: Bọc sát phổi trừ rốn phổi,ở rốn lá tạng quặt lại liên tiếp với lá thành
 * Lá thành: Dán vào mặt trong lồng ngực
       Giữa hai lá một khoang có áp suất âm,trong khoang có dịch thanh mạc làm giảm ma sát giữa hai lá khi thở

6.Mạch máu và thần kinh của phổi:
a. Mạch máu của phổi
- Đi vào mỗi phổi là một nhánh của động mạch phổi. Động mạch này mang máu từ tâm thất phải tới phổi, máu này là máu tĩnh mạch có nhiệm vụ trao đổi khí. Động mạch phổi đi vào rốn phổi phân nhánh cuối cùng tạo thành mạng mao mạch bao quanh các phế nang tiến hành trao đổi khí, thải CO2 và nhận O2 làm cho máu tĩnh mạch thành máu động mạch rồi qua tĩnh mạch phổi đổ vào tâm nhĩ trái.Từ mỗi phổi đi ra  có hai tĩnh mạch phổi, cả bốn tĩnh mạch phổi của hai lá cùng đổ về tâm nhĩ trái của tim
- Đi vào mỗi phổi còn có nhánh của động mạch phế quản. Động mạch này đi vào phổi phân nhánh đi tới mạng mao mạch để cung cấp chất dinh dưỡng cho phổi rồi chuyển thành tĩnh mạch phế nang đổ vào tâm nhĩ phải
- Như vậy mạch máu phổi có khác so với các mạch máu khác là: Động mạch phổi mang máu tĩnh mạch còn tĩnh mạch phổi mang máu động mạch

b.Thần kinh của phổi:
- Phổi được chi phối bởi các nhánh của thần kinh phế vị và thần kinh giao cảm.

VII- TRUNG THẤT

Là một khoang nằm giữa hai lá phổi , giới hạn bởi:
- Trước là xương ức
- Sau là cột sống
- Trên là lỗ ngực trên
- Hai bên là màng phổi mặt trung thất
- Dưới là cơ hoành
Trong trung thất có chứa nhiều bộ phận như tim, tuyến ức , các mạch máu lớn, khí quản, phế quản, thực quản, thần kinh

VIII. ẢNH HƯỞNG CỦA LUYỆN TẬP THỂ THAO ĐỐI VỚI HỆ HÔ HẤP.

 Ảnh hưởng của luyện tập thể thao đối với hệ hô hấp chủ yếu biểu hiện đối với phổi. Qua thí nghiệm của động vật cho thấy:
          1. Khi cường độ vận động tăng dần, hình dạng phế nang thay đổi từ bình thường đến to dần cho tới khi bị phá vỡ và cuối cùng mất đi. Sự thay đổi này làm giảm chức năng trao đổi khí và lọc khí.
          2. Khi cường độ vận động tăng lên, màng hô hấp dày lên sau đó lại mỏng đi và bị phá vỡ. Sự thay đổi này làm giảm khả năng hô hấp của màng hô hấp.
          3. Khi cường độ vận động tăng lên, phế nang xuất hiện nhiều lỗ và to ra điều này chứng tỏ đường hô hấp bị viêm nhiễm và màng hô hấp bị phù lên khi phế nang đón khí vào.
          4. Khi cường độ vận động tăng lên, tế bào hình cầu và tế bào diệt khuẩn trong phế nang tăng lên.
        Như vậy luyện tập thể thao có tác dụng tốt đối với hệ hô hấp, nhất là đối với phổi chỉ khi với liều lượng và cường độ phù hợp

Sưu tầm


Bạn có thể thích đọc

cac he co quan 7641387663764033501

Đăng nhận xét

emo-but-icon

Quảng Cáo

Đọc nhiều

Mới đăng

Kiến thức

Các hệ cơ quan
Hệ tuần hoàn Hệ vận động
Hệ hô hấp Hệ tiêu hóa
Hệ bài tiết Hệ thần kinh
Hệ nội tiết Hệ sinh dục

Các nhóm đầu trên cơ thể
Đầu Mình
Tứ chi Nội tạng

Y học cổ truyền

Bệnh thường gặp

item